NƠI HỘI TỤ SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC THỜI ĐẠI HỒ CHÍ MINH
Điện Biên Phủ là điểm hẹn lịch sử - là nơi mà cả dân tộc Việt Nam và thực dân Pháp dốc sức để quyết tâm giành chiến thắng. Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung chỉ đạo quân đội, các ngành, các địa phương hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Người chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”(1).
Trên thực tế, trận quyết chiến Điện Biên Phủ diễn ra ở địa hình rừng núi hiểm trở, xa hậu phương, có nhiều đèo cao, vực sâu, mạng lưới giao thông chiến lược hầu như chưa có. Trong khi đó, vùng Tây Bắc vừa được giải phóng, kinh tế chậm phát triển, đời sống của đồng bào còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Để bảo đảm một khối lượng lớn vật chất hậu cần, kỹ thuật cho một chiến dịch lớn chưa từng có và diễn ra dài ngày là điều cực kỳ khó khăn, đòi hỏi phải phát huy cao độ bản lĩnh và trí tuệ của cả dân tộc. Để đáp ứng yêu cầu của chiến trường, Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương và ở một số tỉnh được thành lập. Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng được cử làm Chủ tịch Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị được Trung ương cử vào Thanh Hóa, tỉnh có khả năng lớn nhất về nhân lực, vật lực để động viên, đôn đốc việc huy động mọi mặt cho chiến dịch. Tiền phương Tổng cục Cung cấp cũng được thành lập, do Phó Chủ nhiệm Tổng cục Đặng Kim Giang phụ trách, cùng hơn 300 cán bộ trung, cao cấp của Đảng. Lãnh đạo, chỉ huy Tổng cục Cung cấp và các cục chuyên ngành đều trực tiếp tham gia chiến dịch... “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, khẩu hiệu “Tất cả cho mặt trận”, “Tất cả để chiến thắng” được toàn dân hưởng ứng nhiệt liệt cả ở vùng tự do cũng như ở vùng địch tạm chiếm. Đặc biệt, phát huy tiềm năng và thế mạnh của hậu phương tại chỗ, trên khắp miền Tây Bắc, đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Mông, Dao, Hà Nhì... thi đua phục vụ Chiến dịch. Nhiều gia đình đã vét những hạt thóc giống cuối cùng, hoặc nhịn bữa, ăn sắn, ăn khoai để dành gạo cho Chiến dịch. Nhiều phụ nữ nghe theo tiếng gọi của Đảng chẳng quản gian khổ, hiểm nguy, nô nức lên đường, mở đường, gánh gạo, cấp dưỡng, tải thương...
Tại Lai Châu, nơi trực tiếp diễn ra Chiến dịch, tuy gặp nhiều khó khăn do vừa tiến hành chiến dịch Tây Bắc, đồng thời là một tỉnh miền núi cao, xa xôi hẻo lánh, nhưng nhân dân trong tỉnh vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hậu phương tại chỗ của mình. Toàn tỉnh đã “cung cấp cho chiến dịch 2.666 tấn gạo, vượt mức trên giao 64 tấn; 226 tấn thịt, vượt mức 43 tấn; 112 tấn rau xanh; 16.972 người đi dân công với 517.210 ngày công; 348 ngựa thồ; 38 thuyền mảng; 25.070 cây gỗ chống lầy. Có địa phương như Tuần Giáo đã huy động tới 45% tổng số lúa thu hoạch để cung cấp cho Chiến dịch...”(2). Đồng bào các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu III, Liên khu IV... đã đóng góp cho Chiến dịch “25.056 tấn lương thực, 907 tấn thịt và hàng nghìn tấn thực phẩm khác. Chỉ tính riêng số vật phẩm chuyển được ra mặt trận là hơn 2 vạn tấn, trong đó có 14.950 tấn gạo, 266 tấn muối, 62,7 tấn đường, 577 tấn thịt và 565 tấn thức ăn khô”(3).
Cùng với những đóng góp tích cực của nhân dân cả nước về lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến, lực lượng dân công các địa phương được huy động đủ đáp ứng yêu cầu cho Chiến dịch. Tính chung trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngoài 16 đại đội ô tô vận tải của quân đội, phương tiện thô sơ các địa phương là lực lượng hết sức quan trọng và hiệu quả, vận chuyển vật chất cho Chiến dịch, trong đó, có hơn 2 vạn xe đạp thồ. Ngoài tham gia vận tải gạo, đạn cho chiến trường, lực lượng dân công còn tích cực tham gia vận chuyển thương binh ra hậu cứ để cứu chữa. Nhận định về sự đóng góp của các tầng lớp nhân dân cho chiến dịch Điện Biên Phủ, nhà báo Giuyn Roa, nguyên Đại tá Quân đội Pháp đã viết: “... Không phải viện trợ của Trung Quốc đánh bại tướng Nava mà đó là những chiếc xe đạp Pơgiô thồ 200-300 kg hàng, do những dân công ăn không no, ngủ trên những tấm ni lon trải ngay trên mặt đất. Tướng Nava bị đánh bại bởi trí thông minh và quyết tâm chiến thắng của đối phương”(4).
Những con số đó càng có ý nghĩa bởi đất nước lúc đó còn quá nghèo nàn, lạc hậu và đang phải tiến hành một cuộc kháng chiến trường kỳ. Đó là công sức, đóng góp của các tầng lớp nhân dân, là tinh thần “cả nước một lòng”, “toàn dân đánh giặc”. Đánh giá về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Chưa bao giờ trong suốt mấy năm kháng chiến, dân ta đã góp nhiều công sức như trong Đông Xuân 1953-1954 để chi viện cho quân đội đánh giặc… Bọn đế quốc… không bao giờ đánh giá được sức mạnh của cả một dân tộc, sức mạnh của nhân dân. Sức mạnh đó có thể khắc phục được tất cả mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ địch”(5). Chính Nava cũng phải thừa nhận: “Người ta chỉ còn thừa nhận nỗ lực phi thường đó (của nhân dân phục vụ chiến dịch) và khâm phục hiệu quả mà Bộ chỉ huy và Chính phủ (Việt Nam) đã biết cách tạo được”(6). Điều đó cho thấy, Điện Biên Phủ không chỉ trở thành điểm hẹn lịch sử giữa ta và địch mà còn là nơi hội tụ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc thời đại Hồ Chí Minh.
(Tư liệu lực lượng dân công hỏa tuyến vận chuyển hàng hóa trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954)
ĐỈNH CAO CỦA SỰ PHÁT HUY SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC
Có thể nói, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã giúp dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cùng với việc cung ứng đầy đủ vật tư, trang thiết bị và nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm cho chiến dịch, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc còn được thể hiện ở sự hòa nhịp của chiến trường cả nước với Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trước hết, là sự tích cực phối hợp hoạt động của lực lượng Công an với việc thành lập Ban Công an Tiền phương làm nhiệm vụ bảo vệ các lực lượng tham gia Chiến dịch, bảo vệ dân công, bảo vệ giao thông vận chuyển, kho tàng, các cuộc hành quân, trú quân của bộ đội chủ lực.
Bên cạnh đó, là sự huy động ở mức cao nhất trong phối hợp tiến công trên các hướng chiến lược để căng, kéo quân địch phải phân tán ra các chiến trường theo ý định của ta. Các tỉnh ở Việt Bắc, vùng tự do Liên khu IV huy động dân công phục vụ Chiến dịch; các chiến trường Tây Nguyên, Liên khu V, Nam Bộ và các nơi khác đẩy mạnh tiến công địch, phối hợp với Điện Biên Phủ. Đồng bằng Bắc Bộ đẩy mạnh chiến tranh du kích, làm suy yếu địch, tiến công địch cả ở địa bàn Hà Nội, Hải Phòng. Quân và dân ta ở khắp các địa phương trong cả nước, từ Tây Bắc, Liên khu III, Tả ngạn, đến Bình - Trị Thiên, Liên khu V, Bắc Tây Nguyên, Sài Gòn - Gia Định, Nam Bộ… đều đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, liên tiếp tiến công tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai, buộc thực dân Pháp phải phân tán lực lượng khắp nơi để đối phó. Tại Liên khu III, quân ta tăng cường tiến công tập kích Đường 5 - tuyến đường vận tải chiến lược của địch từ Hà Nội về Hải Phòng. Đồng thời, liên tiếp tập kích các sân bay Gia Lâm và Cát Bi để phá tuyến vận tải đường không chi viện cho Điện Biên Phủ của địch… Ở chiến trường Nam Bộ, theo chủ trương của Bộ Chính trị, Trung ương Cục chỉ đạo phải nỗ lực chiến đấu tiêu diệt sinh lực địch, giam chân địch và căng địch ra để chúng không thể chi viện được cho cứ điểm Điện Biên Phủ. Các đơn vị chủ lực của các khu và các tỉnh kết hợp với lực lượng vũ trang địa phương tiến công vào vùng địch hậu các tỉnh: Thủ Biên, Long Châu Sa, Mỹ Tho, Cần Thơ, Sóc Trăng, Rạch Giá, Bạc Liêu… Hơn nữa, để “chia lửa” với Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân các địa phương đã tham gia phục vụ tích cực cho các lực lượng vũ trang chủ động mở các chiến dịch tiến công địch trên nhiều hướng. Nhờ đó, không những ta tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, mà còn buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó với ta và bị giam chân ở nhiều nơi, khiến mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán của địch càng thêm sâu sắc. Những cuộc tiến công vào các tuyến vận tải, đặc biệt là tuyến hàng không đã gây cho địch những thiệt hại nặng nề và hạn chế khả năng tiếp tế cho Điện Biên Phủ. Đặc biệt, trong cả nước, nhân dân các địa phương từ Nam ra Bắc đã nhất tề vùng lên diệt ác, phá tề, giành quyền làm chủ. Những cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh kinh tế, đấu tranh trên mặt trận văn hóa liên tiếp nổ ra, làm cho hậu phương của địch từ nông thôn đến các đô thị, luôn luôn bị náo động, không lúc nào bình yên.
(Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao lá cờ ''Quyết chiến-Quyết thắng'' của Chủ
tịch Hồ Chí Minh tặng các đơn vị lập công trong chiến dịch Điện Biên
Phủ.) (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Chiến dịch Điện Biên Phủ là Chiến dịch dài ngày, nơi tập trung những nỗ lực cao nhất của cả hai bên. Vì vậy, đó là cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ với nhiều mất mát, hy sinh. Nhưng dưới sự lãnh đạo, giáo dục, tổ chức và rèn luyện của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguồn sức mạnh tinh thần vô địch của dân tộc đã được khơi dậy, chuyển hóa thành sức mạnh vật chất to lớn để chiến thắng kẻ thù. Chính sách giảm tô, cải cách ruộng đất, đem lại ruộng đất cho nông dân, trong đó có nhiều gia đình cán bộ, chiến sĩ ngoài mặt trận đã khơi dậy lòng biết ơn và niềm tin tuyệt đối của bộ đội vào Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến.
Các lực lượng trí thức, khoa học, văn hóa văn nghệ cũng hăng hái lên đường ra mặt trận. Nhiều cán bộ kỹ thuật của Bộ Giao thông Công chính đã sớm có mặt trên các nẻo đường Chiến dịch. Những bác sĩ nổi tiếng như: Tôn Thất Tùng, Vũ Đình Tụng và toàn bộ Trường Đại học Y khoa, bao gồm cả giảng viên và sinh viên đều có mặt ở Điện Biên Phủ, kịp thời cứu chữa thương, bệnh binh. Nhà văn Nguyễn Đình Thi, Nhạc sĩ Đỗ Nhuận cùng nhiều nghệ sĩ khác đã đến Điện Biên Phủ ngay từ những ngày đầu Chiến dịch. Đoàn Văn công Quân đội, Đoàn Văn công Việt Nam đã mang lời ca tiếng hát ra trận, hăng say phục vụ bộ đội ngay trên các chiến hào.
Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc còn được thể hiện rõ nét trong công tác binh vận. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác binh vận góp phần làm phá sản kế hoạch nâng số quân ngụy lên 29 vạn tên vào năm 1953-1954 của thực dân Pháp. Chỉ tính riêng trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, ta đã vận động được hơn 32.000 ngụy binh trở về với kháng chiến(7), trong đó, chị em phụ nữ đã vận động được 17.000 người(8), làm cho khả năng tăng quân tiếp viện cho Điện Biên Phủ của địch không thực hiện được theo kế hoạch. Ngược lại, để tăng cường lực lượng chiến đấu cho mặt trận, nhân dân các địa phương đã ra sức động viên thanh niên lên đường nhập ngũ, giết giặc lập công. Theo dự kiến vào đầu năm 1954, quân ta chủ trương huy động thêm 4.000 tân binh, nhưng trên thực tế, đã tuyển chọn và bổ sung kịp thời 25.000 tân binh cho mặt trận.
(Cục Tác chiến (Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam) chuẩn bị sa bàn Chiến
dịch Tây Bắc năm 1952, phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu và
giao nhiệm vụ cho các đơn vị) (Nguồn ảnh: Báo điện tử Quân đội nhân
dân).
NHỮNG GIÁ TRỊ TRƯỜNG TỒN
Thực tiễn sinh động tại Điện Biên Phủ là minh chứng hùng hồn chứng tỏ: sức mạnh đại đoàn kết, sự đồng tâm hiệp lực của cả dân tộc là nhân tố quan trọng nhất làm nên thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ, như nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nhờ sự đoàn kết chặt chẽ và anh dũng hy sinh của toàn quân và toàn dân ta, chúng ta đã đại thắng ở Điện Biên Phủ”(9). Đó là giá trị cao quý còn mãi với thời gian, thể hiện ở những điểm sau:
Thứ nhất, tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến đã khơi dậy khát vọng giải phóng dân tộc cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giác ngộ cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến, cuộc chiến đấu chống xâm lược, giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Nhờ vậy, đã khơi dậy tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn quân, đặc biệt là các chiến sĩ xung kích ngoài mặt trận trực tiếp sống mái với quân thù và sự đóng góp sức người, sức của của mỗi người dân, với tinh thần “cả nước đồng lòng”, “toàn dân đánh giặc”. Bài học đó tiếp tục được Đảng kế thừa, vận dụng sáng tạo trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đã khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước “triệu người như một”, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Sự đồng lòng của cả dân tộc đã làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Kế thừa và phát huy bài học kinh nghiệm về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong thời kỳ đổi mới, Đảng tiếp tục khẳng định: “Đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"(10). Đường lối chiến lược đó đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, sức mạnh nội sinh của dân tộc; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; phát huy ý chí tự cường dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhờ vậy, đã đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành được “... những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử”(11), góp phần nâng cao tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Trước những bước ngoặt lớn của lịch sử với mục tiêu lớn lao của đất nước, nếu biết khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, thì con thuyền cách mạng Việt Nam sẽ vượt qua mọi thác ghềnh, phong ba bão táp, để cập bến bờ vinh quang”(12).
Thứ hai, khơi dậy và phát huy sự chung tay, góp sức của tất cả các giai cấp, tầng lớp nhân dân cũng như các các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao sức mạnh lực lượng của kháng chiến toàn dân như Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”(13). Thực hiện Lời kêu gọi đó, tất cả các giai cấp, tầng lớp, các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam từ miền núi đến đồng bằng, đô thị, từ Bắc đến Nam; từ người Kinh đến 53 dân tộc thiểu số và các tôn giáo; từ người nông dân đến các trí thức... đều đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hình ảnh những chiến sĩ xông pha nơi trận tiền; những bác sĩ, kỹ sư hay các văn nghệ sĩ xả thân vì sự nghiệp kháng chiến; những anh chị dân công băng đèo, lội suối thồ hàng ra trận địa; những đồng bào dân tộc thiểu số ngày đêm giã gạo tay phục vụ chiến trường là minh chứng cho sự đồng tâm, hiệp lực và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để đánh thắng” của quân và dân Việt Nam. Sự chung tay, góp sức của toàn dân tộc là yếu tố quyết định tạo nên chiến thắng Điện Biên Phủ.
Kế thừa và phát huy giá trị tốt đẹp đó, trong thời kỳ đổi mới, nhằm xây dựng và phát triển đất nước nhanh, bền vững, Đảng chủ trương: “Thực hiện đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, giai cấp tầng lớp, thành phần kinh tế mọi giới, mọi lứa tuổi mọi vùng của đất nước, người trong Đảng và người ngoài Đảng, người đang công tác và người đã nghỉ hưu, mọi thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam dù sống trong nước hay ở nước ngoài”(14).
Thứ ba, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân ta trên cả nước, từ Tây Bắc, Liên khu III, đồng bằng Bắc Bộ, đến Bình - Trị Thiên, Liên khu V, Bắc Tây Nguyên, Sài Gòn - Gia Định, Nam Bộ đã đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, liên tiếp tiến công tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai, buộc thực dân Pháp phải phân tán lực lượng ở khắp nơi để đối phó. Các lực lượng thanh niên, phụ nữ từ thành thị đến nông thôn tích cực tham gia nhiều cuộc đấu tranh chính trị, phá tề, trừ gian. Bên cạnh đó, hàng vạn người đã ngày đêm xẻ núi, bạt rừng, mở hàng nghìn km đường giao thông vận chuyển vũ khí, lương thực, hậu cần cho Chiến dịch. Bên cạnh đó là sức mạnh tổng hợp của công tác tuyên truyền giáo dục, công tác hậu cần với công tác quân sự - an ninh, đối ngoại và công tác binh vận nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.
Phát huy những giá trị đó, trong các thời kỳ cách mạng, đặc biệt là thời kỳ đổi mới, Đảng chủ trương khơi dậy và phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của đất nước, của từng vùng và mỗi địa phương; sức mạnh tổng hợp của kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và toàn bộ hệ thống chính trị; khơi dậy sức mạnh tinh thần, truyền thống yêu nước và khát vọng cống hiến của mỗi người dân nhằm xây dựng và phát triển đất nước nhanh, bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng: “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(15).