1. Tổng vệ sinh triệt nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh Sốt xuất huyết
1.1. Nguyên tắc chung
- Đối với các vật chứa nước có mục đích để phục vụ cho sinh hoạt của người dân: đậy kín thùng, lu, chậu, hồ… trữ nước khi không sử dụng; thay nước và xúc rửa thường xuyên (bình bông, dĩa lót chậu kiểng, ly nước cúng, chậu nước gia cầm…) hoặc thả cá bảy màu ăn lăng quăng (hồ non bộ, cây thủy sinh…).
- Đối với các vật chứa nước không có mục đích sinh hoạt: thu gom và loại bỏ ngay hoặc chưa có điều kiện loại bỏ thì phải có biện pháp sắp xếp, che chắn, không để ứ đọng nước và phải loại bỏ ngay trong vòng 01 tuần.
1.2. Tại hộ gia đình
- Bao gồm: nhà dân, khu nhà trọ, nơi sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi… trong phạm vi hộ gia đình.
- Tổ chức tổng vệ sinh triệt nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh Sốt xuất huyết 01 lần/tuần tại nhà dân, khu nhà trọ, nơi sản xuất, kinh doanh trong phạm vi ổ dịch đang xử lý hoặc tại các khu vực tập trung nhiều điểm nguy cơ.
- Hướng dẫn hộ gia đình hàng tuần tự kiểm tra các vật dụng chứa nước, vật phế thải có khả năng ứ đọng nước và xử lý các vật chứa nước trong nhà, xung quanh nhà nhằm loại bỏ nơi sinh sản của muỗi.
- Ủy ban nhân dân phường kiểm tra việc thực hiện của các hộ gia đình, nếu phát hiện lăng quăng trong phạm vi hộ gia đình thì hướng dẫn người dân các biện pháp xử lý và yêu cầu ký cam kết loại trừ lăng quăng; nếu sau 02 lần vi phạm sẽ thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
1.3. Tại các địa điểm có người quản lý trực tiếp
- Bao gồm: cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, nghĩa trang, nhà hàng, khách sạn, công trình xây dựng….
- Người quản lý chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện những biện pháp triệt nguồn sinh sản của muỗi truyền bệnh Sốt xuất huyết tại đơn vị gồm: chọn ngày cố định trong tuần để tổng vệ sinh, loại bỏ nơi muỗi sinh sản trong phạm vi quản lý; yêu cầu tất cả nhân viên chấp hành việc bỏ rác đúng nơi quy định, không tích trữ nước, không tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng.
- Thực hiện ít nhất 01 lần/tuần, ký cam kết với Ủy ban nhân dân phường trên địa bàn không để phát sinh lăng quăng trong khuôn viên đơn vị.
- Đưa nội dung truyền thông phòng, chống Sốt xuất huyết vào sinh hoạt định kỳ của đơn vị để mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hiểu và tự thực hiện tại nơi làm việc và nơi ở của chính họ.
- Lồng ghép nội dung loại bỏ nơi sinh sản của muỗi vào phong trào Công sở xanh - sạch - đẹp, có hình thức thi đua, khen thưởng để phong trào đạt hiệu quả thực tiễn.
- Ủy ban nhân dân phường kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị, nếu phát hiện lăng quăng trong phạm vi cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện,… thì hướng dẫn các biện pháp xử lý và tái kiểm tra nếu có vi phạm sẽ thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (Nghị định số 117/2020/NĐ-CP).
1.4. Tại các khu vực công cộng không có người quản lý trực tiếp
- Bao gồm: các khu vực tập trung rác tự phát, các khu quy hoạch nhưng chưa triển khai thực hiện, bãi đất trống vắng chủ,…
- Ủy ban nhân dân phường lập danh sách các khu vực công cộng không có người trực tiếp quản lý trên địa bàn.
- Huy động đoàn thanh niên, người dân sống xung quanh tham gia tổng vệ sinh, thu gom và xử lý rác thải, vật chứa nước ở những địa điểm không có người quản lý trực tiếp. Tuyên truyền, vận động người dân không bỏ rác bừa bãi, tích cực bảo vệ giữ gìn vệ sinh nơi công cộng.
- Tổ chức thực hiện ít nhất 01 lần/tuần vào các ngày thứ 7, chủ nhật hàng tuần.
2. Phòng, chống bệnh sốt xuất huyết
2.1. Phòng, chống bệnh sốt xuất huyết Dengue – những điều cần nhớ
Sốt xuất huyết Dengue (SXHD) là bệnh truyền nhiễm do vi rút Dengue gây ra. Bệnh lây truyền qua trung gian muỗi vằn. Muỗi vằn khi đốt người bệnh sẽ mang và truyền vi rút gây SXHD sang người lành khi muỗi đốt. Bệnh sốt xuất huyết hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt lăng quăng, diệt muỗi và không cho muỗi đốt. Tất cả mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh. Đa phần người mắc bệnh diễn tiến nhẹ, tự khỏi bệnh nhưng cũng có trường hợp bệnh tiến triển nặng và dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
2.2. Dấu hiệu nhận biết bệnh sốt xuất huyết Dengue
Nếu có những triệu chứng sau, cần nghĩ ngay đến SXHD:
- Sốt cao đột ngột, liên tục 02 ngày trở lên và không giảm khi uống thuốc hạ sốt.
- Có dấu hiệu xuất huyết (từ ngày thứ 2, 3 trở đi): có dạng chấm, mảng xuất huyết dưới da; chảy máu chân răng, mũi; nôn hoặc tiêu, tiểu ra máu, phụ nữ bị hành kinh sớm hoặc nhiều.
- Người mệt mỏi.
- Đau: đầu, sau hốc mắt, bụng, cơ, khớp.
Khi có những dấu hiệu nghi ngờ SXHD cần đi khám bệnh để được hướng dẫn theo dõi, điều trị.
2.3. Đi khám bệnh ngay khi có các dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển nặng
Trong những trường hợp SXHD nhẹ được bác sĩ cho về theo dõi và điều trị tại nhà thì cần lưu ý khi người bệnh có các dấu hiệu nặng thì phải nhanh chóng đưa người bệnh SXHD đến khám tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gần nhất, các dấu hiệu nặng như sau:
- Ói nhiều, đau bụng nhiều.
- Có những dấu hiệu xuất huyết: Chảy máu cam; chảy máu chân răng; ói ra máu; đi cầu phân đen; xuất huyết âm đạo ở nữ.
- Ở trẻ em cần lưu ý dấu hiệu tay chân trẻ lạnh, trẻ hết sốt nhưng vẫn mệt.
Ngành y tế đã chuẩn bị đầy đủ thuốc để tiếp nhận và điều trị những trường hợp bệnh chuyển nặng. Đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh kịp thời để được điều trị sớm là chìa khóa để hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong.