Kể từ đêm 24 rạng sáng ngày 25/8/1945, nhân dân Sài Gòn đứng lên cướp chính quyền, thì đến ngày 23/9/1945, chỉ vỏn vẹn 28 ngày đã phải đương đầu với một kẻ thù hơn hẳn chúng ta về thực lực quân sự. Bởi trước đó, nhân dân Sài Gòn luôn bị thực dân Pháp núp dưới danh nghĩa quân đồng minh Anh-Ấn vào giải giới quân Nhật liên tiếp tổ chức hành động tiến công khiêu khích nhằm cướp nước ta một lần nữa.
Thanh niên và nhân dân cả nước sôi nổi tình nguyện Nam tiến kháng chiến - Ảnh: tư liệu
Nam Bộ kháng chiến thoạt đầu mang tính chất quần chúng, chủ yếu trang bị vũ khí thô sơ, lấy tinh thần yêu nước gan góc để chống lại kẻ thù. Những đơn vị như các Chi đội tập trung, Cộng hòa vệ binh, Dân quân cách mạng, những liên quân, những mặt trận… phần lớn trang bi gậy gộc, dao kiếm, chỉ có một ít súng với đủ nhãn hiệu của Pháp, Nhật, Anh…
Kiến thức quân sự của phần lớn cán bộ, chiến sĩ cũng rất hạn chế, trừ một số đồng chí là cựu tù Côn Đảo trở về, một ít là du kích trong khởi nghĩa Nam Kỳ, hoặc từng tham gia lính khố xanh khố đỏ và môt vài lính Nhật tự nguyện tham gia vào hàng ngũ cách mạng là có chút kinh nghiệm về quân sự. Đặc biệt, trong lực lượng cách mạng có cả một số “anh chị” giang hồ hảo hớn, nhưng cũng thật ít ỏi.
Thanh niên Nam bộ chỉ "nóp với giáo" nô nức tòng quân lên đường đánh giặc trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến
Với lực lượng như vậy, hình thức chiến đấu của ta chủ yếu là lập phòng tuyến, tạo chướng ngại vật trên các trục đường địch hành quân, phá cầu, phá đường, làm vườn không nhà trống… Song với ý chí, quyết tâm chống giặc, bảo vệ nền Độc lập vừa giành được, chỉ trong một tuần đầu kể từ 23/9, quân dân Sài Gòn –Chợ Lớn – Gia Định đã diệt gần 300 tên giặc, đốt phá 130 xí nghiệp, công sở, 22 kho tàng, bắn cháy, bắn chìm trên 80 tàu xuồng lớn nhỏ, và phá hỏng hơn 200 xe hơi,phá hỏng một số cầu đường. Đến cuối tháng 9/1945, phạm vi kiểm soát của quân Pháp vẫn giới hạn chỉ trong một số khu vực nhỏ hẹp. Quân Pháp phải khốn đốn trong cảnh không điện, không nước, không chợ búa, quán xá, lương thực thực phẩm cạn dần…
Tuy vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, địch đã nống ra khỏi Sài Gòn, làm chủ các trục lộ chính và lần lượt đánh chiếm các tỉnh lỵ, thị trấn… Đầu não kháng chiến của ta phải phân tán, một bộ phận tản ra Đồng Tháp Mười, một bộ phận xuống tận vịnhThái Lan, có nhóm đi ra nước ngoài, một bộ phận vòng lên Đông Nam Bộ, ra Trung Bộ...
Cùng lúc này, đáp lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ ngày 23/9/1945, cả nước dấy lên phong trào ủng hộ kháng chiến Nam Bộ. Khắp các tỉnh Bắc bộ, Trung Bộ, đều có “Phòng Nam Bộ” để ghi tên những ngườì tình nguyện vào Nam giết giặc. Những cán bộ và chiến sĩ ưu tú, vũ khí và đồ trang bị tốt lúc bấy giờ đều được giành cho “Bộ đội Nam tiến”… Các đơn vị Nam tiến đầu tiên vào đến Sài Gòn kịp lúc ở đây đã hình thành các mặt trận tiền tuyến, góp thêm sức mạnh về tinh thần và bồ sung cán bộ chiến sĩ cho cuộc chiến đấu của quân vá dân Sài Gòn – Chợ Lớn.
Trong lúc Miền Bắc hết sức căng thẳng, nạn đói chưa dứt vá còn đe dọa, chính quyền cách mạng non trẻ bị uy hiếp nghiêm trọng bởi sự có mặt của hơn 200.000 quân Tưởng, sự chống phá của bọn Việt quốc, Việt cách, tay sai của Tưởng… thì việc chi viện viện sức người sức của cho Nam Bộ kháng chiến là những sự kiện và hình ảnh hết sức cảm động, có sức cổ vũ, động viên rất lớn đối với nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn lúc bấy giờ.
Đảng bộ các tỉnh phụ cận cũng khẩn trương tổ chức lực lượng chi viện cho Mặt trận Sài Gòn –Chợ Lớn. Nhiều đoàn quân cách mạng từ các vùng nông thôn tiếp giáp tiến về Sài Gòn “chân đi không” với lời thề “giết hết quân xâm lăng”. Những cây tầm vông vạt nhọn xuất hiện khắp các ngả đường, xóm làng, phố chợ. Đó là thứ vũ khí phổ biến của quân dân Nam Bộ trong những ngày đầu kháng chiến. “Ngọn tầm vông”, “nóp với giáo” là một biểu tượng về tinh thần quyết chiến của nhân dân Nam Bộ trước họa xâm lăng.
Được sự cổ vũ, động viên, giúp sức của cả nước, sau hơn một tháng chiến đấu anh dũng, chỉ bằng vũ khí thô sơ, quân và dân Nam Bộ, nòng cốt là thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định đã hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ “đi trước”, tiêu hao sinh lực, giam chân địch, làm thất bại bước đầu âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, thể hiện quyết tâm chiến đấu bảo vệ chủ quyền đất nước của nhân dân ta, tạo khoảng thời gian quý báu để Trung ương Đảng và Chính phủ chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến toàn quốc. Khởi đầu từ Nam bộ kháng chiến cũng chính là cơ sở thực tiễn để Đảng ta xây dựng đường lối lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện cho đến thắng lợi cuối cùng./.